Đầu tư vào giáo dục: Hấp dẫn ‘miếng bánh’ 3 tỷ USD

Số liệu của Ken Research và Ambient cho biết, thị trường Edtech (công nghệ giáo dục) của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023 và Việt Nam hiện nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng e-learning (học trực tuyến) lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018.

giao-duc-4-0-9235-1606131256.jpg

Hiện có trên 2 triệu người đang tham gia nhiều chương trình học qua mạng. (Ảnh: Int)

Dành 40% thu nhập cho giáo dục. Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, Vũ Hoàng Liên đánh giá: “Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có gần 80% học sinh học trực tuyến, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này tạo niềm tin rằng, nếu chúng ta quyết tâm, Việt Nam có thể làm những điều đặc biệt”.

Để chứng minh cho nhận định trên, ông Liên cho hay, có nhiều yếu tố thuận lợi để thị trường Edtech phát triển. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 9/2020, tổng số học sinh, sinh viên trên cả nước ta được ghi nhận khoảng 24 triệu người, trong đó có hơn 90% các học sinh sinh viên sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc laptop để phục vụ việc học.

Mặt khác, ông Liên đánh giá, tốc độ đô thị hóa và thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, mức sống ở các đô thị ngày càng được cải thiện, các bậc phụ huynh có xu hướng dành ngân sách lớn, chiếm 40% tổng thu nhập để con cái họ được hưởng thụ các dịch vụ giáo dục có chất lượng cao. Người Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục nhiều hơn nữa trong tương lai.

Thực tế, số lượng doanh nghiệp chọn lĩnh vực giáo dục để khởi nghiệp (Startup) tăng mạnh trong thời gian qua. Hiện có hơn 100 startup khai thác tiềm năng của thị trường này và khoảng trên 2 triệu người đang tham gia nhiều chương trình học qua mạng.

Bên cạnh sự gia tăng số lượng startup, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng chứng kiến hàng chục thương vụ M&A thành công. Có thể kể đến thương vụ Công ty Du lịch Vietravel tuyên bố sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Công ty CP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech mua lại Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) với giá hơn 100 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến khoảng 60 tỷ đồng…

Khối ngoại tăng tốc. Không chỉ khối nội, khối ngoại hiện cũng đang đầu tư mạnh vào giáo dục Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn góp và mua cổ phần là dòng chảy chính của đầu tư nước ngoài vào giáo dục, đạt 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Năm ngoái, lĩnh vực khởi nghiệp giáo dục ghi nhận một số thỏa thuận đã đạt được bao gồm quỹ Navis Capital Partners Limited mua lại nền tảng giáo dục Thanh Thanh Cong Education, hay Kaizen Private Equity rót 10 triệu USD vào Yola. Topica đầu tư 3,5 triệu USD vào startup giáo dục Kidtopi…

Theo đánh giá của các chuyên gia, giáo dục là một lĩnh vực khá ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh doanh. Vấn đề quan trọng hơn là nhà đầu tư đáp ứng phân khúc nào trong giáo dục và khả năng mở rộng trong tương lai ra sao?.

Đại diện cho Cục Tin học hóa, đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Phó cục trưởng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, các giải pháp được chú trọng là: phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Chương trình cũng đặt mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp.

Như vậy, sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin, trực tuyến đã nhanh chóng chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến và/hoặc kết hợp đào tạo trực tuyến với mặt đối mặt. Đây là điều chưa từng thấy trước đó và cũng mở ra những cơ hội mới cho đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Thanh Hoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *